II. BỐ THÍ
- 1. Xan tham (Keo Kiệt)
“Này các Tỳ-kheo! Có năm loại keo kiệt. Những gì là năm? Keo kiệt liên quan đến chỗ ở, keo kiệt liên quan đến gia đình, keo kiệt liên quan đến lợi dưỡng, keo kiệt liên quan đến tán than, và keo kiệt liên quan đến Pháp. Đó là năm loại keo kiệt. Trong năm loại keo kiệt đó thì keo kiệt liên quan đến Pháp là đê tiện nhất. Đời sống tâm linh là được sống để từ bỏ và chấm dứt năm thứ keo kiệt này.”
- 2. Thành tựu Bố Thí
“Thành tựu bố thí là gì? Ở đây, vị Thánh đệ tử ở tại nhà với tâm không có dính vết keo kiệt, rộng lòng bố thí, mở rộng bàn tay, hoan hỷ vui mừng với sự từ bỏ, hết lòng làm việc từ thiện, vui mừng khi cho và chia sẻ. Đây được gọi là thành tựu Bố thí.
3. Lý do Bố thí (Kinh Tăng Chi Bộ 8:33)
“Này các Tỳ-kheo! Có tám lý do bố thí. Những gì là tám? (1) Vị ấy vì lòng ham muốn nên bố thí; (2) Vị ấy vì sân hận nên bố thí; (3) Vị ấy vì ngu si nên bố thí; (4) Vị ấy vì sợ hãi nên bố thí; (5) Vị ấy bố thí vì nghĩ rằng: ‘Cha ông, tổ tiên của ta trước đây đã từng làm việc bố thí. Ta không nên bỏ phế truyền thống gia đình xưa kia; (6) Vị ấy bố thí vì nghĩ rằng: ‘Sau khi bố thí, khi thân này hủy hoại, sau khi chết đi, ta sẽ được sanh lên cõi lành, cảnh giới Trời.’ (7) Vị ấy bố thí vì nghĩ rằng: ‘Khi ta bố thí thì tâm ta được tịnh tín, hân hoan và niềm vui sanh khởi.’ (8) Vị ấy bố thí vì để trang nghiêm tâm, trang bị tâm.
Đây là tám nền tảng để làm việc bố thí.
BỐ THÍ XỨNG BẬC CHÂN NHÂN (Kinh Tăng Chi 5:148)
“Này các Tỳ-kheo! Có năm loại bố thí này xứng bậc Chân nhân. Những gì là năm? Vị ấy bố thí vì lòng tin; vị ấy bố thí vì kính trọng; vị ấy bố thí đúng thời; vị ấy bố thí với tâm rộng lượng; vị ấy bố thí không làm thương tổn mình và người.
(1) Vì vị bố thí với lòng tin, bất cứ nơi nào kết quả của sự bố thí ấy chín muồi thì người ấy trở nên giàu có, đại phú, tài sản sung mãn, và vị ấy xinh đẹp, dễ nhìn, có thành tín và đầy đủ dung sắc thù thắng như hoa sen.
(2) Vì vị bố thí với lòng kính trọng, bất cứ nơi nào kết quả của sự bố thí ấy chín muồi thì người ấy trở nên giàu có, đại phú, tài sản sung mãn, và chồng vợ, con cái, kẻ hầu hạ, sứ giả, những người làm việc của vị ấy đều vâng lời và tuân phục, luôn lắng tai nghe vị ấy chỉ bảo, vận dụng tâm trí để hiểu vị ấy.
(3) Vì vị bố thí đúng thời, bất cứ nơi nào kết quả của sự bố thí ấy chín muồi thì người ấy trở nên giàu có, đại phú, tài sản sung mãn, và những lợi ích đến với vị ấy đúng thời và đầy đủ sung túc.
(4) Vì vị bố thí với tâm rộng lượng, bất cứ nơi nào kết quả của sự bố thí ấy chín muồi thì người ấy trở nên giàu có, đại phú, tài sản sung mãn, và vị ấy hướng tâm thọ hưởng năm dục công đức[1].
(5) Vì vị bố thí không làm tổn thương mình và người, bất cứ nơi nào kết quả của sự bố thí ấy chín muồi thì người ấy trở nên giàu có, đại phú, tài sản sung mãn, và không một tai nạn nào từ đâu đến, đến với tài sản của người ấy, hoặc từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ các người thù địch hay từ các người thừa tự.
Đây là năm loại bố thí xứng bậc Chân nhân này.
[1] Panca-kama-guna (p)—Five strands of sense-desire—Theo Kinh Phúng Tụng trong Trường Bộ Kinh, có năm dục công đức: 1. Sắc do nhãn nhận thức, sắc nầy khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích và hấp dẫn lòng dục. 2. Âm thanh do tai nhận thức, âm thanh nầy khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích và hấp dẫn lòng dục. 3. Mùi hương nầy do mũi nhận thức, mùi nầy khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích và hấp dẫn dục vọng.
4. Vị do lưỡi nhận thức, vị nầy khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích và hấp dẫn lòng dục. 5. Xúc chạm do thân nhận thức, xúc chạm nầy khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích và hấp dẫn dục vọng.